Bộ Tài chính đang đề xuất sàn thương mại điện tử, đơn vị giao hàng… cung cấp thông tin doanh thu của người bán hàng online để đánh thuế.
Theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định 126, lãnh đạo cơ quan thuế nhiều lần nhắc đến việc tăng cường trách nhiệm của các tổ chức trong việc khai thuế và nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh. Thông điệp này tiếp tục được thể hiện cụ thể hơn tại dự thảo Thông tư hướng dẫn và quản lý thuế với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang được lấy ý kiến.
Nói với VnExpress, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh (Tổng cục thuế) cho biết, ngành thuế sẽ thay đổi tư duy quản lý với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Thay vì làm trực tiếp với từng người, họ sẽ nắm đầu mối từ tổ chức có liên quan và dòng tiền chi trả.
Trong dự thảo Thông tư, các đơn vị trung gian được yêu cầu khai thông tin và thậm chí nộp thuế thay (nếu nắm dòng tiền) cho cá nhân và hộ kinh doanh. Như vậy, các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo hoặc các đơn vị giao vận sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin của chủ shop (nếu cư trú tại Việt Nam) cho cơ quan thuế. Dự thảo Thông tư này không điều chỉnh với nhà cung cấp nước ngoài.
Việc này giúp cơ quan thuế tiếp cận với doanh thu thực của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thông qua đơn vị thứ ba là sàn thương mại điện tử hay bên giao hàng.
Có nhiều hộ kinh doanh lâu nay có đăng ký thuế dưới hình thức đóng thuế khoán. Cơ quan thuế đã nắm địa điểm kinh doanh và kho hàng nhưng doanh thu được phản ánh có thể chưa đầy đủ. Do đó, lãnh đạo Vụ đánh giá thông tin từ sàn thương mại điện tử là nguồn tin cậy để cơ quan thuế điều chỉnh doanh thu của người nộp thuế, từ đó thu thuế đúng và đủ hơn.
Các sàn thương mại điện tử cho biết tạm thời đang nghiên cứu về dự thảo nên chưa thể đưa ra ý kiến về đề xuất này.
Còn với các cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook, cơ quan thuế địa phương khai thác dữ liệu công bố trên trang bán hàng, fanpage để xác định danh tính cá nhân kinh doanh online, từ đó tìm cách thu thuế.
Từng chia sẻ tại một hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế từng nêu thực tế rằng, những người kinh doanh truyền thống vẫn phải thuê trụ sở, cửa hàng và gánh thêm nhiều chi phí nhưng họ vẫn kê khai, nộp thuế đầy đủ. Còn người kinh doanh thương mại điện tử hiện đại hơn, chi phí thấp, lợi nhuận cao hơn thì lại tránh thuế.
Vì thế, theo bà Cúc, việc tiếp cận với các đầu mối khác để có thông tin thu thuế thương mại điện tử là hoàn toàn phù hợp nhằm đảm bảo bình đẳng giữa những người kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh truyền thống.
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng nêu rõ cách thức thu thuế mới với hộ kinh doanh lớn.
Trước đây, các hộ kinh doanh đều nộp thuế khoán như nhau. Tuy nhiên Thông tư mới sẽ yêu cầu các hộ kinh doanh lớn nộp thuế theo hình thức tự kê khai dựa trên sổ sách kế toán, thay vì đóng thuế khoán như trước.
Theo Luật Quản lý số 38, một hộ kinh doanh được xem là hộ lớn nếu đáp ứng tiêu chí của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có mức doanh thu 3 tỷ trở lên (với thương mại) và 10 tỷ trở lên (đối với sản xuất) hoặc những hộ có nhu cầu sử dụng hoá đơn thường xuyên. Hiện nay, hộ lớn cũng chiếm khoảng 6-7% trên tổng số lượng 2 triệu hộ kinh doanh toàn quốc.
Lãnh đạo thuế cho biết lâu nay nhiều hộ kinh doanh đang lợi dụng, núp bóng hình thức hộ kinh doanh để hợp thức hoá hóa đơn đầu vào cho các doanh nghiệp hoặc hàng nhập lậu. Do đó, ngành thuế phải thắt chặt lỗ hổng này bằng cách thay đổi hình thức kê khai thuế.
Trước đó, ngành thuế cũng yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin định danh tài khoản của từng người dân (không bao gồm số dư hay nội dung giao dịch) để quản lý thuế hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, cơ quan thuế cùng cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước cũng rà soát các giao dịch chuyển tiền bất thường từ nước ngoài về để thu thuế các cá nhân có nguồn thu từ nước ngoài.
<Nguồn: Vnexpress>